Nếu bạn không thể giống như người Nhật, không thể trung thành cống hiến cả đời cho một công ty duy nhất, bạn chọn cách nhảy việc để tìm cơ hội mới thì cũng hãy giữ vững lập trường. Đừng nhảy việc chỉ vì mức lương hiện tại của bạn không được như ý hay vì đồng nghiệp được sếp đề cao trong khi bạn mãi chỉ là nhân viên quèn trong mắt sếp.
Dưới đây là 5 quy tắc mà bạn nên ghi nhớ để luôn gặt hái được thành công mỗi lần nhảy việc.
1. Cố gắng không nhảy việc nhiều trong 3 năm đầu
3 tháng biết việc, 6 tháng biết sự. Thường thì sau sáu tháng, rất nhiều bạn sẽ đột nhiên muốn nghỉ việc vì phát hiện ra rất nhiều cái không hợp với mình. Tuy nhiên nếu chỉ có nhiêu đó khó khăn mà đã chùn bước, không biết điều gì khiến bạn nghĩ rằng bạn sẽ có thể đương đầu với công việc tiếp theo.
Làm việc ở một công ty mà mình không quá thích giúp người ta học được nhiều điều hơn là công việc. Sự nhẫn nhịn, sự kiên trì, sự cố gắng và sự trưởng thành đều được tích lũy nhiều hơn trong giai đoạn này. Vì thế, hãy ít nhất cố hết sức mình một lần, trước khi nghỉ việc. Bởi vì, chỗ nào cũng sẽ có cái tệ cả thôi, nhưng sức chịu đựng của bạn qua rèn luyện thì luôn luôn tốt hơn.
2. Không nhảy việc vì ghét bỏ sếp hay đồng nghiệp
Không có môi trường nào là hoàn hảo, bạn không bao giờ có thể tránh tiếp xúc với sếp tồi hay đồng nghiệp xấu tính…, nếu mỗi lần nảy sinh bất hòa bạn lại nhảy việc thì chỉ chứng tỏ bạn đang cư xử vô cùng cảm tính, thiếu suy nghĩ. Bạn cũng không nên đố kỵ hay cảm thấy ganh ghét những người giỏi hơn mình mà hãy lấy đó làm động lực để phấn đấu. Nói tóm lại, đừng để tình cảm cá nhân lấn át lý trí và khiến bạn đưa ra quyết định sai lầm, nhảy việc nhiều cũng ảnh hưởng khá tiêu cực đến hồ sơ của bạn.
3. Không xem tiền lương là mục tiêu nhảy việc
Thực tế trong xã hội hiện nay đang xảy ra tình trạng mức lương của nhân viên có thân niên làm việc lâu năm với một doanh nghiệp lại có mức lương thấp, dù cho họ đã cống hiến sức lực và trí lực cho doanh nghiệp rất lâu, thế như họ lại phải đối diện với tình trạng mức lương thấp dần đi so với những nhân viên mới vào.
Nếu chỉ dựa vào lương mà các bạn đã vội vã đưa ra quyết định nhảy việc thì quả thực chưa xác đáng, các bạn nên xem xét mối tương quan khác về quá trình nhảy việc, trong đó các yếu tố cũng có tính quyết định cao đến sự nghiệp của bạn đó là môi trường làm việc, những cơ hội để thăng tiến trong công việc, tinh thần làm việc tại các môi trường làm việc của bạn...
4. Nhảy việc nhưng vẫn đúng chuyên môn
Nếu bạn chưa thể xác định được hướng đi cụ thể cho chặng đường sự nghiệp trong tương lai, cứ liên tục thử sức mình ở nhiều lĩnh vực, chẳng hạn: vừa nghỉ công việc Kế toán, bạn chuyển sang làm Nhân viên kinh doanh, sau đó thấy không phù hợp lại tìm đến với nghề Nhân viên chăm sóc khách hàng… thì chuỗi ngày nhảy việc của bạn sẽ chẳng bao giờ kết thúc.
Mặc dù xu hướng hiện nay là đề cao những người có thể làm việc đa nhiệm, có khả năng đảm trách nhiều công việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng trên hết, bạn phải giữ cho mình một lĩnh vực chuyên môn mà bản thân thực sự yêu thích và am hiểu.
5. Những trường hợp nên nhảy việc
Như đã nói ở trên, hãy hạn chế nhảy việc để khiến CV của bạn trông thật sạch sẽ và chuyên nghiệp, tuy nhiên, nếu bạn gặp một trong số những trường hợp dưới đây thì hãy tự tin viết đơn xin nghỉ việc:
- Công ty chuẩn bị phá sản
- Công ty không đối xử công bằng giữa các nhân viên
- Bạn không nhìn thấy cơ hội học hỏi, phát triển hay thăng tiến
- Sếp của bạn cực kỳ tệ hại
- Bạn đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không tìm thấy niềm vui, niềm đam mê trong công việc
Đừng quên ghi nhớ những nguyên tắc này, chúng sẽ giúp bạn luôn được nhà tuyển dụng đánh giá cao